Bà Nguyễn Thị Kiên – 10 năm tâm huyết với công tác thiện nguyện

Bà Nguyễn Thị Kiên

 

Bà Nguyễn Thị Kiên - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em huyện Chợ Lách đã 10 năm gắn bó với công việc, 10 năm là một chặng đường dài tâm huyết của bà đối với công tác thiện nguyện, chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Càng làm, càng dấn thân với nhiệm vụ, mỗi ngày lại thấy nhiều hơn những mảnh đời bất hạnh. Cái khổ, cái đau của người khác là điều đã thôi thúc bà “phải làm gì đó để giúp đỡ, sẻ chia"

Uy tín và cái tâm đối với người khó khăn

Tại cuộc gặp gỡ gần đây, giữa bao bận rộn của công việc, bà đã chia sẻ với chúng tôi nhiều hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn ngặt nghèo của NNCĐDC mà bà gặp trong suốt 10 năm gắn bó với Hội NNCĐDC/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em huyện Chợ Lách. Những lần gặp các hoàn cảnh bệnh tật khốn khó, ngặt nghèo “không giúp là chết”, những lần tiếp xúc để vận động, thuyết phục nhà tài trợ, những ngày tháng đeo bám cơ sở để lo công việc đến nơi đến chốn, tất cả đều là những kỷ niệm bà không thể nào quên.

Bà có thâm niên công tác Hội Phụ nữ huyện 17 năm, rồi có cả thời gian làm Công tác Mặt trận tại huyện Chợ Lách, chuyên phụ trách hoạt động quỹ Vì người nghèo của MTTQ nên đã có “kinh nghiệm”, hiểu rõ những hoàn cảnh đặc biệt. “Thiện nguyện vốn đã có trong con người bà từ lâu, khi tham gia công tác của Hội, có nhiều cơ hội tiếp xúc những mảnh đời bất hạnh, nguyện vọng được giúp đỡ sẻ chia càng dâng lên gấp bội. Bà nói: giúp được cho người khó khăn, dù ít ỏi, mình cũng cảm thấy rất vui.

Nhiều năm làm công tác đoàn thể, về hưu lại gắn với công tác Hội, cũng là chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nếu trước kia, chức trách, nhiệm vụ đối với cơ quan, đơn vị là chuẩn mực để mình nỗ lực thì giờ đây, đối diện với nạn nhân chất độc da cam cũng như các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, cái “ràng buộc” mình chính là lương tâm của mình.

Đi thường xuyên, nhiều khi không nghỉ trưa, không ngày cuối tuần, nếu nhà tài trợ, nạn nhân mong chờ mình bà có mặt, bà chân thành bộc bạch: “Lương tâm thôi thúc mình, muốn làm việc cho tròn vẹn với người nghèo thì mình làm chứ nếu mình làm lơi cho khỏe mình thì không đem được lợi ích về cho người khó khăn. Mình làm việc thiện, giúp cho người khác thì dù một chút cũng phải ráng làm”.

Trong quá trình vận động sự giúp đỡ cũng đòi hỏi người cán bộ Hội có được sự trung thực và chân thành bà là người có uy tín và giữ được mối liên hệ với nhiều nhà tài trợ lâu năm. Điều này đã đem lại sự thuận lợi để Hội NNCĐDC/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em huyện Chợ Lách hỗ trợ, chăm sóc người khó khăn. Bí quyết để “giữ chân” mạnh thường quân được bà bày tỏ thật tình: “Mình làm vì người nghèo khổ nên khi đi vận động thì đem hết tâm tình, sự thấu hiểu của mình về hoàn cảnh đó để nói cụ thể với các nhà hảo tâm, nói cụ thể rõ ràng. Khi đã nhận được sự giúp đỡ thì mình phải làm đúng theo yêu cầu của nhà tài trợ, phải giữ uy tín, không sai sót”. Hơn 10 năm qua, tại đây chưa từng có sai sót, hay không rõ ràng trong việc thu chi.

Quyết làm đến cùng.

Theo thống kê đến nay, huyện Chợ Lách có 1.523 đối tượng là NNCĐDC, khuyết tật nằm trong diện do Hội chăm lo, trong đó được hưởng trợ cấp của nhà nước là 99 người (người tham gia kháng chiến và các con của họ bị di chứng: dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ, tâm thần...), ngoài ra là những người được hưởng chính sách bảo trợ xã hội khác.

Hơn 10 năm qua, Hội thực hiện công tác vận động chăm sóc cho NNCĐDC, người nghèo, người khuyết tật thông qua nhiều hình thức như: hỗ trợ gạo, xây nhà tình thương, tặng học bổng, cứu trợ đột xuất, hỗ trợ sinh kế thoát nghèo...

Theo bà Kiên, chăm lo cho người nghèo không phải chỉ có tiền là xong mà còn nhiều thứ khác, đó là sự động viên, quan tâm, theo dõi lâu dài từng hoàn cảnh để có hướng hỗ trợ phù hợp. Điều này đòi hỏi người cán bộ Hội phải đeo bám thường xuyên để sự hỗ trợ của mạnh thường quân thật sự có tác dụng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhìn lại một chặng đường đã qua, bà Kiên bộc bạch: “Tôi thấy bản thân rất may mắn khi được phụ trách công tác Hội, với Hội, mình có điều kiện làm việc tốt, giúp cho người nghèo, là điều mà lòng mình luôn mong muốn làm và thấy hạnh phúc khi làm được”.

Với người Chủ tịch Hội đầy tâm huyết như bà đã trở thành cầu nối để vận động những người có điều kiện giúp đỡ, sẻ chia cho những người khó khăn, giảm bớt cái khổ, làm vơi bớt những nỗi đau da cam,

Hơn 10 năm gắn bó, góp công, góp sức cho công tác Hội, năm 2018, bà Nguyễn Thị Kiên vinh dự được nhận Kỷ niệm chương "Vì Nạn nhân chất độc da cam", đây là phần thưởng xứng đáng đối với bà./.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Các tin cùng chuyên mục