Năm 1999 huyện Mỏ Cày Nam thống kê có 1917 nạn nhân nhiễm chất độc da cam, họ ở rải rác trên địa bàn 17 xã của huyện. Trong số đó có 17,4% là nạn nhân nặng hoặc nhà có nhiều người là nạn nhân. Đa số họ là hộ nghèo vì thiếu lao động hoặc có lao động, nhưng phải bận bịu với con, em tàn tật của mình.
Từ ngày thành lập đến nay, Huyện hội và các Hội ở cơ sở hằng năm đã vận động xây nhà tình thương; cấp xe lăn, xe lắc; cấp học bổng, học phẩm cho nạn nhân da cam; cấp hàng ngàn xuất quà cho nạn nhân vào dịp lễ, tết, ngày thảm họa da cam… Việc làm đó góp phần vơi đi nỗi đau cho nạn nhân da cam và gia đình.
Thành công thì không nhỏ, nhưng xét thấy chỉ xin, cho, rồi lại xin cho. Mãi loay quay trong vòng trợ giúp trước mắt.
Làm cách nào để hộ gia đình nạn nhân da cam tự lo cho cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Để giải quyết bài toán đó, Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em huyện Mỏ Cày Nam bàn bạc, cuối cùng xin chủ trương Ủy ban nhân dân huyện cho phép Huyện hội thành lập quỹ Hội.
Đến nay (tháng 4/ 2019) quỹ Hội có hơn 150 triệu đồng.
Khởi đầu gây quỹ vận động các nhà hảo tâm trong huyện và ngoài huyện, có những em học sinh tiết kiệm vài ngàn đồng ăn sáng, đến chị tiểu thương 5 chục, 3 chục ngàn đồng và các các nhà doanh nghiệp vừa là con em của quê hương, vừa là bạn thân quen đang sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh bạn… hỗ trợ.
Ủy ban nhân dân huyện cho phép Huyện hội đặt thùng tiền từ thiện ở bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Cù Lao Minh để góp phần gây quỹ.
Khi có tiền trong tay, huyện Mỏ Cày Nam tính ngay đến việc thoát nghèo bền vững cho gia đình nạn nhân nghèo. Đò là đầu tư vốn chăn nuôi, chỉ có cách đó mới sử dụng đồng vốn mà không mất vốn, sử dụng lao động của những hoàn cảnh có lao động nhưng không thể đi làm xa hoặc dài ngày.
Và dự án chăn nuôi dê sinh sản được bắt đầu thí điểm dự án với hộ gia đình ông Phạm Văn Ê ấp Hòa Phú 1,xã Định Thủy;ông Lê Văn Tý ấp Thanh Thủy, xã Định Thủy; ông Nguyễn Văn Hiếu ấp Hòa Phú 2, xã Định Thủy; hộ bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Đa Phước Hội; ông Phạm Văn Minh ấp Bình Sơn, xã Ngãi Đăng với 5 cặp dê cho 5 hộ gia đình. Đến tháng 12/2018 tổng đàn dê này từ 10 con lên 26 con trong dê mới được sinh ra có 4 dê cái để tiếp tục nuôi sinh sản, còn lại dê đực nuôi dê thịt.
Dự án giai đoạn 2 đầu cho 3 hộ nữa với 5 dê sinh sản, hiện nay đàn dê phát triển tốt và đang trong thời kỳ phối giống.
Chỉ trong gần 3 năm thực hiện dự án, với đồng vốn khiêm tốn của mình đã giúp hộ gia đình ông Phạm văn Ê có từ 2 con dê lên 6 con, ông đã nộp lại dê gốc theo hợp đồng, dê cái để lại nuôi phát triển đàn, dê đực nuôi thịt cải thiện kinh tế gia đình, hoặc hộ bà Nguyễn Thị Thủy xã Đa Phước Hội từ 2 con dê lên 9 con cũng đã giao lại cho dự án 02 con dê cái số còn lại gia đình bán để tạo thêm thu nhập.
Dù kết quả chưa phát triển quy mô lớn vì thời gian ngắn và đồng vốn hạn hẹp, nhưng đây là mô hình tốt, tương lai nhân rộng được, phát triển bền vững vì hiệu quả. Nếu như chúng ta có đồng vốn rộng rải hơn, với phương châm đầu tư sinh kế mà bảo toàn được vốn như thế này thì nhiều nữa, nhiều nữa hộ gia đình da cam nghèo sẽ có công ăn việc làm, sẽ tự làm ra được tiền và thoát nghèo bền vững.