Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Ngày 19 tháng 11 năm 2019, Tỉnh ủy Bến Tre đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW và đã có báo cáo số 536-BC/TU về Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW. Báo cáo đánh giá một cách toàn diện các nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị; trong đó đánh giá cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của Hội NNCĐDC/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội) trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của Hội, nhất là công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là công tác chăm sóc, giúp đỡ, đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC tại tỉnh Bến Tre.
Hội đã phối với các cơ quan chức năng cùng cấp tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị, đồng thời ban hành Công văn số 2669-CV/TU ngày 04/9/2015 chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị trong hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên về trách nhiệm trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Hội đã tích cực tham mưu cho cấp Ủy Đảng và Chính quyền trong thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch số 3447/KH-UBND ngày 6/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại tỉnh Bến Tre là văn bản cụ thể hóa Quyết định 651 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tạo nhận thức đúng đắn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương luôn coi vấn đề nạn nhân chất độc da cam là một trong những vấn đề xã hội hàng đầu.
Bến Tre là một trong những tỉnh chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, hiện có 14.576 người bị nhiễm chất độc hóa học bao gồm người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ và người dân là nạn nhân tại địa phương trong thời kỳ kháng chiến.
Hội xác định Chỉ thị là cơ sở chính trị, pháp lý cao nhất để xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội, đồng thời là cơ hội đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Hội đã bám sát Chỉ thị 43/CT-TW và những văn bản có liên quan để hàng năm tập huấn cho cán bộ Hội và tăng cường công tác truyền về hậu quả chất độc hóa học và việc khắc phục hậu quả CĐHH đúng với tinh thần của Quyết định số 651/QĐ-TTG ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về hành động Quốc gia khắc phục cơ bản hậu qủa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở Chỉ thị số 43-CT/TW, Hội định hướng cơ bản về nội dung và hình thức hoạt động của Hội phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Đồng thời tuyên truyền về hậu quả chất độc hóa học và việc khắc phục hậu quả theo nội dung trong Kế hoạch hành động quốc gia. Truyền thông về chức năng, nhiệm vụ của Hội để thu hút sự quan tâm, tạo điều kiện cho Hội hoạt động hiệu quả. Phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, Pháp luật của nhà nước có liên quan đến hoạt động nhân đạo, từ thiện, đến chế độ chính sách đối với NNCĐDC.
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 43/CT-TW, Hội thường xuyên Báo cáo, tham mưu, đề xuất với Cấp ủy, Ủy ban nhân dân về các nhiệm vụ thực hiện việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, đặc biệt là việc chăm lo cho đời sống của nạn nhân. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh tiến hành khảo sát nắm tình hình nạn nhân để đề xuất chủ trương, chính sách chăm, sóc giúp đỡ NNCĐDC cho phù hợp với tình hình địa phương và đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự về việc khắc phục hậu quả chất độc da cam và hoạt động của Hội các cấp trên báo Đồng Khởi, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, một số đài Trung ương và Tạp chí da cam Việt Nam, website của Hội. Hàng năm đều tổ chức các sự kiện có ý nghĩa nhân ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, ngày thảm họa da cam 18/8; Tích cực tham gia đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật và các kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Chủ động tham gia thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về khắc phục hậu quả chất độc hóa học giai đoạn 2016-2020; Thực hiện các hoạt động chăm sóc NNCĐDC. Đồng thời có nhiều hoạt động tích cực hưởng ứng công tác an sinh xã hội của tỉnh thông qua phong trào thi đua " Xây dựng nông thôn mới"; " Công tác giảm nghèo"; phong trào “ Đồng Khởi mới, Khởi nghiệp".
Điểm nổi bật trong hoạt động là Hội đã đề ra phong trào thi đua dài hạn 5 năm 2016- 2020 với chủ đề "Vì nạn nhân chất độc da cam". Quan tâm tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác Hội và nhiệm vụ cho cán bộ Hội để nâng cao chất lượng và hiệu qủa công tác; Tập trung cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC; khuyến khích những gương nạn nhân vượt khó, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng hành động vì NNCĐDC (10/8) hàng năm. Tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân qua tiếp, làm việc, cung cấp thông tin, hình ảnh, nhân chứng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phản ánh đúng bản chất và hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị, mỗi năm các cấp Hội đã vận động được trên 30 tỷ đồng để xây nhà tình thương, tình nghĩa; hỗ trợ vốn sinh kế cho nạn nhân; hỗ trợ học bổng, học phẩm; chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh; nuôi dưỡng nạn nhân; xây cầu, làm đường, xây hồ nước, giếng nước; hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho nạn nhân bị khuyết tật; tặng quà ngày lễ , tết...Hội cũng đầu tư điều tra, lập danh sách quản lý nạn nhân, phân loại cụ thể từng nạn nhân mắc các bệnh hiểm nghèo; phát hiện sớm nạn nhân khuyết tật để tổ chức thực hiện những hoạt động can thiệp, phục hồi chức năng. Trong hoạt động Hội luôn chú trọng việc phối hợp, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức có chung mục đích hoạt động bảo trợ xã hội, an sinh xã hội.
Từ việc chủ động tham mưu của Hội trong thực hiện Chỉ thị 43/CT-TW và hiệu quả hoạt động của Hội đã thu hút được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của Tỉnh. Thể hiện:
- Cấp Ủy quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức nhân sự của Hội, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các tổ chức Hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của BanBí thư Trung ương Đảng. Cơ cấu các đồng chí lãnh đạo có uy tín khi nghỉ hưu bố trí vào chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cấp Hội. Cấp ủy thường xuyên làm việc với tổ chức Hội để kịp thời nắm tình hình, hiệu quả hoạt động, động viên và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong hoạt động. Hệ thống các Hội NNCĐDC/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Hiện Bến Tre đả có 9/9 Hội cấp huyện, 100% đơn vị cấp xã có tổ chức Hội. Nhân sự Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội các cấp đều là nguyên lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị sau khi nghỉ hưu tham gia đảm trách. Hội có tổng số hội viên là 21.253 người, trong đó có 6.778 hội viên là nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam. Tổng số tình nguyện viên hiện có 2.731 người.
- Ủy ban nhân dân các cấp hàng năm đều cân đối ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội, bố trí văn phòng làm việc, tạo điều kiện để Hội tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác chăm sóc NNCĐDC, Hội đả được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 43/CT-TW trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Hội NNCĐDC/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh rút ra mấy vấn đề có tính khẳng định.
Thứ nhất: Cho dù hoàn cảnh và điều kiện nào thì yếu tố quan trọng và quyết định vẫn là sự lựa chọn nhân sự người đứng đầu tổ chức Hội các cấp, họ phải tận tụy, có tâm với Hội, với nạn nhân, đây là vấn đề cốt lõi, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Hội.
Thứ hai: Bến tre có sự sáp nhập của Hội Bảo trợ quyền trẻ em vào Hội NNCĐDC/dioxin nhưng tên Hội phải đứng đầu mới thể hiện đủ bản chất và cỗi lõi nhiệm vụ của Hội là vận động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
Thứ ba: Hội NNCĐDC/dioxin là tổ chức đặc thù, mang tính nhân đạo- từ thiện, thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao nên không thể tự bươn chải, mà được sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương cho Hội hoạt đông và chi trả thù lao cho người làm công tác hội, để Hội vận động nguồn lực tập trung chăm lo cho nạn nhân.
Trong thời gian tới, những yêu cầu nhiệm vụ chính trị- xã hội đặt ra cho công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học còn rất nặng nề, việc Hội tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho cấp Ủy Đảng, chính quyền thực hiện Chỉ thị 43/CT-TW là tối cần thiết. Tiếp tục duy trì phong trào thi đua" Vì nạn nhân chất độc da cam" để hỗ trợ chính quyền trong thực hiện việc khắc phục hậu qủa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam của giai đoạn tiếp theo. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng năng động, sáng tạo, chú trọng việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, đảm bảo vai trò nòng cốt trong hoạt động chăm sóc , giúp đỡ nạn nhân ngày càng hiệu quả. Chủ động tham mưu, đề xuất cho cấp Ủy , chính quyền các cấp các biện pháp chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân thiết thực. Đảm bảo sự tin tưởng của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh vào vai trò của Hội. Hội luôn là chỗ dựa tinh thần, vật chất cho các nạn nhân da cam, là địa chỉ tin cậy của các nhà hảo tâm đóng góp, để hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của nạn nhân, làm giảm bớt khó khăn, đau khổ của nạn nhân chất độc da cam vì mục tiêu cao cả của Hội, vì sự nghiệp khắc phục hậu quả chất độc da cam của tỉnh nhà./.