"Cơ duyên đến với hội" cảm tưởng của ông Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm 1934, cư trú xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre

Tôi đến với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre cũng là cái duyên.

Vốn quan tâm đến những mảnh đới bất hạnh, trước đây tôi tham gia nhóm từ thiện Phật tử Thị xã Bến Tre (nay là thành phố Bến Tre). Hàng năm đi vận động quyên góp hàng, tiền, đi cứu trợ người nghèo, người hoạn nạn nhưng chủ yếu là đồng bào Miền Trung, Tây Nguyên

Năm 2006, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre ra đời là tôi xin gia nhập. Vậy là từ nay hoạt động từ thiện của mình đã có gốc, có tổ chức và đường hướng rõ ràng.

Hơn 10 năm tham gia Hội, với số tiền từ bản thân gia đình mình, từ vận động bạn bè, các nhà hảo tâm khác trên 1 tỷ đồng không phải là con số lớn so với những thiệt thòi, sự đau khổ của những mảnh đời bất hạnh. Mà niềm vui lớn của tôi là đã vận động được nhiều nhà hảo tâm như: Bà Nguyễn Thị Lan, Việt kiều Mỹ; Thượng tọa Thích Thiện Phước, quận 8 thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Trí Thông… đã đồng hành cùng với Hội chia sẽ nỗi đau da cam với đồng bào ruột thịt.

Những chuyến đi thăm, tặng quà cho đồng bào Bến Tre ở vùng kinh tế mới các xã Ialốp, Iarvê huyện Esup (Daklak) cũng thôi thúc tôi phải làm gì nữa với bà con Bến Tre xa xứ còn nhiều khó khăn.

Năm nay tôi 84 tuổi nhưng mỗi chuyến đi làm từ thiện như thế hình như tôi thấy khỏe ra, thấy vui hơn vì mình đã góp phần đem sự ấm áp đến với những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi.

Tôi mong rằng những bước chân của mình luôn cứng cáp, luôn vững vàng để cùng với Hội đi khắp các han cùng ngõ hẻm, đến với nạn nhân chất độc da cam, những người nghèo.

Mong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre luôn mở rộng vòng tay, qui tụ thật nhiều nhà hảo tâm để cùng chung tay, góp sứ xoa dịu nỗi đau da cam, để san sẻ vật chất, tinh thần cho những người còn thiệt thòi trong xã hội.

                                                                Nguyễn Văn Cảnh

Các tin cùng chuyên mục