Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em của hội

Trước yêu cầu thực tế về thực hiện công tác bảo vệ  quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh Bến Tre với khoảng 326.650 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,9% so với tổng dân số, trong đó có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, khuyết tật, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Để góp phần thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016- 2020 và Luật trẻ em 2016.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã thống nhất chủ trương thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, nhưng trong điều kiện hiện nay không thành lập một tổ chức riêng biệt mà ghép cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.

Ngày 24 tháng 6 năm 2016 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre đã Đại hội bất thường để thông qua Đề án đổi tên Hội thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung và bổ sung phương hướng, nhiệm vụ Bảo vệ quyền trẻ em trong nhiệm kỳ 2012-2017, bổ sung Ban Chấp hành một Phó Chủ tịch và một Ủy viên Thường trực và Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 1705/QĐ-UBND ngày 25/7/2016 cho phép đổi tên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre thành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin-Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre và phê duyệt Điều lệ sửa đổi bổ sung của Hội.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội về lĩnh vực Bảo vệ quyền trẻ em được thực hiện theo qui định tại Điều 92 Luật trẻ em năm 2016, cụ thể:

  • Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em.
  • Thực hiện chính sách pháp luật, đáp ứng quyền của trẻ em theo tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức được pháp luật quy định; tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên và xã hội để phản ánh, kiến nghị, tư vấn cho cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật.
  • Tổ chức việc cung cấp dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và trẻ em chuyển đến cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em.

Như vậy phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Bảo vệ quyền trẻ em rất rộng và có những nhiệm vụ, quyền hạn rất đặc biệt so với những Hội khác như: tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị đối với cơ quan nhà nước về các vấn đề trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em. Tỉnh hội đã và đang triển khai thực hiện. Đồng thời các Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện, cấp xã cũng đã tự nguyện tiếp nhận nhiệm vụ mới, đã dự tập huấn nghiệp vụ công tác Bảo vệ quyền trẻ em do Tỉnh hội và Trung ương Hội Bảo vệ trẻ em tổ chức. Đến Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ đồng loạt đổi tên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em để chính danh hoạt động, kịp thời thực hiện Luật trẻ em năm 2016 có hiệu luật từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.

 

Hội NNCĐDC/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre

Các tin cùng chuyên mục