Không đầu hàng số phận

Trần Văn Phú, sinh năm 1978 ở ấp Hòa Phước, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Cha mẹ Phú trước đây sống trong vùng bị đạn bom, chất độc hóa học của chiến tranh.

Ra đời hơn 1 tuổi thì di chứng chất độc da cam đã bộc phát với em. Hai chân bại liệt hoàn toàn, càng ngày càng teo tóp.

Bằng cố gắng của cha mẹ, của bạn bè cõng em đến trường, nhưng cũng học hết lớp 3 và cơn đau nhức cứ hoành hành.

Dù hoàn cảnh  gia đình hết sức khó khăn nhưng cha mẹ em cũng đưa em đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh để giải phẩu kéo khớp chân, nhưng cũng chỉ khắc phục sự co quấp mà thôi, mọi sinh hoạt của em là bò và lếch.

Lớn lên hằng ngày em ngồi xuồng cùng cha đi vớt củi, dừa mỏ bán cho lò gạch và mua tro trấu về bán lại cho thợ kiểng để kiếm sống.

Dù đôi chân xem như tàn phế nhưng em nghĩ mình còn cái đầu và đôi tay. Vậy phải làm gì để giúp cha mẹ đỡ vất vả khó khăn, để tự lo cho mình với khả năng hiện tại.

Vốn sinh ra vùng hoa kiểng, em nghĩ ngay phải học nghề cắt sửa kiểng. Thế là em tham gia lớp học của phong trào sinh vật cảnh và chú tâm loại kiểng mini, bon sai vì nó phù hợp với hoàn cảnh phải ngồi bệch dưới đất thao tác.

Từ kiến thức qua lớp học, cộng với sự đam mê, em luôn hình dung trong đầu dáng thế của cây, xem ảnh trong sách báo, nhìn các nghệ nhân đi trước làm, em đã bắt tay vào cắt tỉa, uốn cành, lúc đầu còn thô, thất bại. Nhưng không nản chí, em mua hoặc xin kiểng thô, phế phẩm của nhà vườn về cắt tỉa, và từ đó tay nghề em từng bước tiến bộ, có ra được sản phẩm mọi người ưng ý, một số bà con trong xóm thương em tật nguyền nên cũng mang cây đến nhờ em cắt tỉa, uốn sửa để em có thu nhập.

Với sự phấn đấu như vậy, đến nay em trở thành nghệ nhân sinh vật cảnh thực thụ.

Năm 2013, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre có tặng cho em 1 chiếc xe lắc. Thế là từ đó khi bà con cần cắt sửa kiểng khỏi mang đến nhà mà em tự lăn xe đến tận nơi vườn kiểng để cắt sửa, và cũng chỉ sửa kiểng mini, bon sai, vì cây cao to ngoài tầm tay của em.

Như vậy 1 ngày cắt sửa kiểng em có 150.000 đồng, một thu nhập khá, em chẳng những lo cho bản thân mà còn giúp đỡ cha mẹ trong lúc gia đình còn nhiều khó khăn./.

Các tin cùng chuyên mục